Con Hàng Bói Lởm Và Anh Tổng Mê Tín - Chương 25
Xe dừng lại trước cổng tòa nhà, Vân Hạ áy nãy nói:
“Xin lỗi, xin lỗi anh, bạn tôi uống say không tự chủ được, hay là để xe đó ngày mai chúng tôi sẽ vệ sinh cho anh?”
“Thôi khỏi.”
“Vậy hay tôi sẽ gửi tiền rửa xe lại cho anh nha?‘
“Cô nghĩ tôi thiếu chút tiền đó sao?”
“À….vậy anh về cẩn thận, cảm ơn anh.”
Dù trước mặt lịch sự là thế, nhưng trong lòng cô ấy đã chửi Minh Khang một ngàn lần, nhà anh giàu thì hay ho lắm sao?
Tiền tiêu không hết mà cái nết như quần què vậy thì cũng chả có bồ đâu, anh xứng đáng được ế suốt đời!
Sáng hôm sau, tiếng gõ cửa bất thình lình đã gọi hai cô nàng đang nửa tỉnh nửa mê bật dậy. Hạnh An là người ngồi dậy trước, đầu như bị ai đó dùng búa gõ vào, đau đến thốn cả người.
“Á…”
Đang vặn vẹo thì Vân Hạ cũng tỉnh dậy.
“Ơ, mày không đi làm à?”
“Không, tao xin nghỉ việc rồi.”
“Đù, chơi lớn vậy?”
“Dù sao cũng chẳng thích chỗ kia lắm, chi bằng xin nghỉ tập trung vào cuộc thi này, biết đâu vào top mười thì ký hợp đồng với tập đoàn S luôn cho nó sướng.”
“Ảo tưởng, bệnh này của mày nặng lắm rồi đó.”
“Xùy…Thôi ra mở cửa đi kìa, không biết ai chứ gõ cửa từ nãy tới giờ rồi đó.”
Vừa mở cửa ra, cả người Hạnh An như muốn đóng băng, mới sáng sớm mà cô có cảm giác hôm nay sẽ u tối rồi.
“Mẹ? Sao mẹ lại đến đây?”
“Nhìn lại con xem, người không ra người, ngợm không ra ngợm, lại còn mùi bia nồng nặc thế kia. Đây chính là lý do mà con nằng nặc đòi ra ngoài sống đúng không?”
Hạnh An chẳng muốn trả lời, cô mở cửa lớn ra rồi nói:
“Mẹ vào nhà đi.”
“Hừ! Con gái con lứa, sống không nên nết, hư hỏng.”
“Mẹ đến gặp con sớm như vậy là có chuyện gì không?”
“Giờ này mấy giờ rồi mà con nói sớm? Hơn chín giờ rồi đấy, thế này không biết ai chịu rước con nữa.”
“Con sống như thế này đang tốt lắm, không có nhu cầu rước họa vào thân đâu. Mẹ ngồi đó đi, con đi đánh răng đã.” Nói xong không chờ mẹ cô phản ứng lại, cô nhanh chân chuồn vào phòng.
“Mày ngồi yên trong này đi, không có chuyện gì thì đừng phát ra tiếng động.”
“Mẹ mày đến à?”
“Ừ.”
“Hiếm thấy nhỉ?”
“Tao cũng đang không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây nữa, thôi cứ bật tâm thế sẵn sàng chiến đấu cái đã, chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết của nó.”
“Chúc mày may mắn.”
Khi Hạnh An vệ sinh cá nhân xong xuôi bước ra khỏi phòng, cô nhìn thấy mẹ cô đang ngồi ở trên ghế sô pha, không hề nhúc nhích. Từ vị trí của cô chỉ thấy được tấm lưng thẳng tắp, dáng ngồi đúng chuẩn hoa hậu của bà, một bên sườn mặt đã có dấu hiệu của tuổi già.
Năm tháng không chừa một ai, lúc cô còn nhỏ, mẹ cô luôn là hình mẫu mà cô hướng đến, một người phụ nữ thông minh, xinh đẹp, có thể phụ giúp chồng trên thương trường, cũng có thể chăm lo cho gia đình một cách toàn vẹn, ở lứa tuổi như bà, ít người có thể làm được điều đó. Hình ảnh mẹ cô đưa đón cô đi học mỗi ngày, lo cho cô từng bữa ăn giấc ngủ, thật sự tốt đẹp biết bao. Vậy mà bây giờ, thậm chí ngồi nói với nhau vài câu cũng khó!
Lúc nhỏ cô học rất giỏi, thông minh ngoan ngoãn, không có một điều gì phải bàn bố mẹ khi nào cũng tự hào về cô. Nhưng ở cái lứa tuổi dậy thì, tâm lý phản nghịch và định hình cá tính, cô cảm nhận được sự cầu toàn mà mẹ hướng đến cho cô có dấu hiệu thái quá, từ cách nói chuyện, ăn uống, đi đứng, học hành. Năm cấp ba trở đi, cô bắt đầu có thái độ bài xích đối với bố mẹ, những uất ức trong lòng chỉ có thể một mình tự xoay sở, thỉnh thoảng cô kể với anh trai, nhưng anh đang đi du học ở nước ngoài, cùng lắm chỉ cho cô được một vài lời động viên là hết cỡ.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi cô từ chối suất học bổng của đại học Harvard mà chọn một ngôi trường ở trong nước để theo học.
Từ đó cô có cảm giác bố mẹ cô như hai người khác hẳn, dường như tạo hóa đã tráo đổi bố mẹ trước kia của cô đi rồi, họ không còn là họ nữa.
Dù không thể nói chuyện chung với họ vì quan điểm sống khác biệt, nhưng cô vẫn đăng ký học quản trị kinh doanh và đăng ký thêm một ngành liên quan đến chế biến thực phẩm. Cô học rất tốt cả hai ngành này, tốt nghiệp hàng top ở trường, nhưng cô cảm thấy bản thân không có hứng thú với kinh doanh mà ngược lại có niềm đam mê đặc biệt với chuyện bếp núc.
Từ đó dù bị phản đối kịch liệt thì cô vẫn hướng theo đam mê mà đi, và cho đến giờ, dù công việc đang hết sức bấp bênh, cô vẫn không hề hối hận với những quyết định trước đó của mình.
Đỗ Quyên nhìn thấy Hạnh An đứng yên trước cửa phòng, không hề nhúc nhích thì hỏi:
“Còn muốn đứng đến bao giờ nữa?”
“À…” Hạnh An quay về thực tại, cô đi đến đối diện bà Quyên ngồi xuống.
“Mẹ đến đây có chuyện gì không?”
“Hôm nay con không đi làm sao?”
“Con có chút việc nên hôm nay nghỉ.”
“Thế thì được, con thay đồ, trang điểm đi, rồi đi với mẹ.”
“Đi đâu ạ?”
“Nói con đi thì đi đi, hỏi gì nhiều vậy, mẹ có thể hại con à?”