Chuyện tình trai nhà Đoạ - Truyện 2: Chuyện Tình Chàng Thi Sĩ (1)
“Một thành phố sầm uất, là nơi giao thương kinh tế của các tỉnh phía Nam. Nơi mà người ta luôn hướng đến, mà mỗi khi mở miệng đều treo trên đó là cái tên thân thuộc “Sì Gòn”.
Không thể phủ nhận Sài Gòn là một nơi đẹp đẽ, hoa lệ. Là hoa cho người giàu và lệ cho kẻ nghèo. Bên cạnh những dòng xe tấp nập, những nhà hàng năm sao luôn đầy ắp khách hàng, những khu thương mại lớn thường có nhiều khách quý ghé thăm, thì những khu ổ chuột vẫn còn đâu đó quanh quất, hiu quạnh. Những căn nhà xập xệ đến nỗi chỉ có đúng vài tấm tôn vây quanh, vài mảnh vải che cho đỡ gió và một cái cửa xiêu vẹo có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Những hàng quán vỉa hè chất đầy bụi bặm nhưng vẫn đông đúc. Những cái bạt lớn trải giữa đường đi với đủ thứ nào áo thun, quần sọt giá rẻ như cho, vậy mà không ít người tranh nhau mua, giành giật như vốn dĩ là của họ.
Bên cạnh những con người ăn mặc thời trang, áo vest quần tây, giày da bóng loáng hay giày cao gót lung linh là những con người còm cõi, mặc trên mình những cái áo xỉn màu, cái quần bạc phếch và đôi dép nhựa đứt quai.
Bất cứ nơi nào đều có sự tương phản, dù cho sự tương phản đó có cố tình bị giấu nhẹm đi chăng nữa thì cũng có lúc người ta phát giác ra, vốn dĩ chúng ta không cùng một thế giới.”
Thi ngước lên từ cái máy tính để bàn cũ kỹ, bàn tay xoa nhẹ mí mắt nặng trĩu chừng như muốn nhắm lại. Anh cảm thấy mệt mỏi. Mệt vì những bản thảo còn dang dở, mệt vì cái máy tính già đời, suốt ngày cứ kẽo kẹt kêu lên vài tiếng như đứt hơi. Mệt vì bản thân mãi chẳng thể sống tốt hơn với cái nghề nhà văn tự do, cứ ngày ngày cắm đầu vào máy tính mà mãi chẳng có tác phẩm để đời.
Người ta nhìn vào chỉ trỏ nọ kia, “Cái thằng gì, đàn ông con trai chẳng thấy đi làm đi lụng. Tối ngày cắm đầu vô cái máy tính, chắc lại game ghiếc gì đây!”, những lời nói như lưỡi dao vô hình, cứ đâm xuyên qua lồng ngực anh từng chút một. Ở cái xóm trọ này, họ không cần biết người ta ra sao, chỉ cần thấy ở hoài trong nhà thì đều lười nhác cả. Cũng đúng thôi, thành phố lớn thế này, nào có ai mướn nhà trọ chỉ vì muốn ở yên một chỗ. Người ta mướn nhà trọ là để tìm việc làm, nuôi sống bản thân rồi nuôi cả ba mẹ, con cái ở dưới quê. Chứ ai rỗi hơi đi mướn nhà trọ rồi ở yên trong phòng, ngay cả cơm cũng lười ra ngoài mua như Thi đâu chứ.
Thi ở đây ba năm rồi. Người đến người đi đủ kẻ sân si, nhiều chuyện, nhưng việc anh làm tác giả tiểu thuyết mạng thì bà chủ đã biết từ lâu. Tiền nhà anh không thiếu tháng nào, chỉ là cuộc sống không dư dả. Có nhiều lần bà chủ thấy thương còn cho anh ít rau, con cá nhà bà có, vậy mới thấy giữa chốn xô bồ, con người ta vẫn giữ được lòng tốt đấy chứ.
“Cậu Thi này, có tính chuyện cưới xin gì chưa? Năm nay cậu ba mươi rồi hả?” Bà Năm, chủ nhà trọ của Thi lân la gợi chuyện.
Số là hôm nay tới ngày thu tiền nhà, bà lên mang cho anh bó rau muống nhà trồng tiện thể thu tiền một lượt. Thi cầm bó rau rồi cảm ơn rối rít, mở cái tủ gỗ nhỏ trong nhà lấy đủ số tiền nhà rồi đưa cho bà. Bà Năm ngó cái nhà nhỏ tý mà bày biện đủ thứ sách vở thì thở dài, thế là bà hỏi ngay đến chuyện cưới xin.
“Con chưa nghĩ đến bà ơi. Ba má con cũng chưa thúc giục gì đâu.” Thi cười cười, trả lời.
Ba má anh ly dị năm anh mười chín tuổi. Lúc học đại học anh ở ký túc xá của trường. Sau đó tốt nghiệp thì ra ở nhà trọ, đi làm mấy năm thì dời về đây yên tĩnh sáng tác theo ước mơ của mình. Ba má anh cũng không ngăn cấm, còn hay cho tiền anh đóng tiền nhà nhưng anh không lấy. Anh biết họ vì áy náy, muốn bù đắp cho anh, nhưng ai cũng có cuộc sống riêng cả rồi, anh không muốn họ bận tâm cho mình nữa.
“Ba má cậu mà để ý tới mấy chuyện này à. Cậu cứ tự mà liệu là tốt nhất đi.”
Bà Năm cũng có vài lần gặp được má Thi qua thăm anh. Nhưng khổ thay, ba năm trời bả qua có hai lần, thế là bà Năm hay hỏi thăm anh lắm. Biết được tình cảnh thì cứ chắc lưỡi, lắc đầu, cũng từ đó nhà có lá cải, miếng rau đều đem cho anh một ít. Anh biết, bà là thương hại mình. Nhưng ở nơi xa lạ, có được lòng thương đã khó, dù là thương hại còn tốt hơn người ta ghét mình, vậy là anh nhận. Nhận bó rau, miếng cải cũng nhận tấm lòng bà san sẻ mỗi khi buồn.
“Dạ, cám ơn bà Năm, con biết rồi.”
Bà Năm cầm tiền rồi ngúng nguẩy đi về. Thi cười cười quay vô nhà luộc bó rau vừa nhận được.
Sáng hôm sau Thi dắt con xe wave cà tàng ra khỏi nhà, dự định ra chợ kiếm gì về bỏ tủ lạnh ăn cả tuần. Cái bản thảo về cuộc sống Sài Gòn còn dang dở trong máy, phải nhanh chóng hoàn thành mới mong tháng này có tiền mua gạo.
“Chào chú! Con mới chuyển tới phòng kế bên.” tiếng nói trầm thấp, có vẻ hơi khàn vang lên bên cạnh khiến Thi chú ý.
Anh đưa mắt nhìn cậu trai cao lớn đứng dựa tường ngay kế bên phòng mình. Cậu ta dáng người có chút cao, Thi cao 1m7 thì người này hẳn tận 1m9 đi, Thi phải ngước mắt lên mới nhìn rõ mặt cậu ta.
Đẹp trai. Sáng lạn. Nụ cười trên môi cậu ta khiến Thi chợt thấy trái tim nhảy loạn. Có lẽ vì mấy người đến ở đây chẳng ai chào Thi như vậy cả, họ chỉ nói anh giống như cô hồn, âm u bất định, chẳng ai muốn dây vào. Mà hôm nay lại có người mới đến, còn vui vẻ chào anh, khiến anh có chút không quen. Thi gật đầu, bình tĩnh dắt xe ra rồi lên xe chạy đi.
Tú nhìn người đàn ông chỉ đáp lại mình bằng cái gật đầu thì hụt hẫng. Với nụ cười của mình thì ít khi cậu bị thờ ơ như vậy lắm. Xem ra người hàng xóm này có vẻ khó gần.
“Nè, con trai. Người giám hộ con tới chưa?” bà Năm từ trong nhà đi ra ngay chỗ Tú đang đứng hỏi.
Hôm qua thằng nhỏ này mang tiền đặt cọc mướn một phòng, nói hôm nay sẽ chuyển tới. Bà có hỏi chứng minh nhân dân thì thấy mới mười bảy tuổi, nhỏ quá không dám cho ở, cho nên bà kêu phải có người giám hộ làm giấy tạm trú cho rồi mới được dọn vào. Vậy là hôm nay Tú quay lại với má của mình.
“Má con ở ngoài xe, chút xíu vô tới á bà.”
“Vậy thì tốt. Mà vừa nãy con nói chuyện với thằng Thi đấy à?” bà Năm cũng thuộc dạng người hay nói, ít khi bà thấy ai trong dãy nhà chịu nói chuyện với Thi, vừa thấy thằng nhỏ này nói gì đó với anh cho nên hơi tò mò.
“Chú ấy tên Thi ạ? Nghe như con gái ấy.”
“Gì mà chú, nó mới hai tám ba mươi gì à. Trẻ chán.”
“Trời, vậy mà con tưởng gần bốn mươi rồi cơ. Mà sao con hỏi mà ảnh không trả lời, chắc nhìn con thấy ghét quá hở bà?” Tú cười, hỏi dèm bà Năm.
Bà Năm nghe vậy thì nhìn cậu một cái, lắc đầu:
“Đâu có, nhìn con cũng dễ thương, thân thiện mà. Tại vì cái tính thằng Thi nó vậy, ít nói, lầm lì. Chắc tại ba má nó.”
Tú nghe thấy có chuyện để nghe thì cũng vểnh tai lên, ai ngờ đâu má cậu vô tới cắt ngang cuộc trò chuyện của hai người.
Bà Năm vội làm giấy tờ thủ tục, rồi được mẹ Tú cam đoan con trai bà ngoan ngoãn nghe lời mới an tâm cho cậu ở lại.